Các quy định trong tiêu chuẩn Việt Nam về hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong nhà

Đối với các công trình có tính nguy hiểm cháy nổ cao (được quy định trong các Tiêu chuẩn Việt Nam), hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong nhà được lắp đặt riêng biệt. Các Tiêu chuẩn Việt Nam là cơ sở cho tính toán, thiết kế, kiểm tra, vận hành hệ thống này. Các tiêu chuẩn chính bao gồm Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4513:88, “Cấp nước bên trong- Tiêu chuẩn thiết kế”. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN, 2622: 1995, “Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình- Yêu cầu thiết kế”. Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3890: 2009, “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình– trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng”. Đây là các tiêu chuẩn cơ bản quy định về hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong nhà, ngoài ra còn nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn khác quy định đối với các công trình cụ thể đối với từng loại công trình.

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN, 2622: 1995, Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình- Yêu cầu thiết kế

Nội dung về hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong nhà được quy định tại điều 10 “Cung cấp nước chữa cháy trong” trong TCVN 2622- 1995:

Tiêu chuẩn Việt Nam về hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong nhà

Tiêu chuẩn Việt Nam về hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong nhà

Phải thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy cho nhà và chung cư dân dụng, nhà kho, chung cư trong khu công nghiệp. Hệ thống cấp nước chữa cháy bao gồm hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà và ngoài nhà. Tiêu chuẩn cho phép thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy riêng biệt khi việc kết hợp với hệ thống cấp nước sinh hoạt hoặc sản xuất không có lợi về kinh tế.

Các công trình phải thiết kế, lắp đặt đường ống cấp nước chữa cháy bên trong nhà được quy định tại điều 10.12, Tiêu chuẩn

– Trong các nhà sản xuất (trừ một số công trình được quy định trong điều 10.13 của tiêu chuẩn TCVN 2622:1995).

– Trong nhà ở gia đình từ bốn tầng trở lên và nhà ở tập thể, khách sạn, cửa hàng ăn uống từ năm tầng trở lên;

– Trong các cơ quan hành chính cao từ sáu tầng trở lên, trường học cao từ ba tầng trở lên;

– Trong nhà ga, kho tàng, các loại công trình công cộng khác, nhà phụ trợ của các công trình công nghiệp khi khối tích ngôi nhà từ 5.000 m3 trở lên;

– Trong nhà hát, rạp chiếu bóng, hội trường, câu lạc bộ 300 chỗ ngồi trở lên.

Đối với một số công trình khi thiết kế, lắp đặt hệ thống cung cấp nước chữa cháy là không cần thiết hoặc sẽ gây nguy hiểm khi sử dụng nước để chữa cháy, các trường hợp này quy định tại Điều 10.13 của Tiêu chuẩn:

– Trong các nhà sản xuất có sử dụng hay bảo quản các chất mà khi tiếp xúc với nước có thể sinh ra cháy, nổ, ngọn lửa lan truyền;

– Trong các nhà sản xuất có bậc chịu lửa I, II và có thiết bị bên trong làm bằng vật liệu không cháy mà trong đó gia công vận chuyển, bảo quản thành phẩm, bán thành phẩm là vật liệu không cháy;

– Trong các nhà sản xuất hạng D, E có bậc chịu lửa III, IV, V  mà có khối tích không lớn quá 1000 m3;

– Trong nhà tắm, nhà giặt công cộng

– Trong các nhà kho làm bằng vật liệu không cháy, chứa các hàng hóa không cháy;

– Trong các trạm máy bơm, trạm lọc sạch của hệ thống thoát nước bẩn;

– Trong các nhà sản xuất và nhà phụ trợ của công trình công nghiệp, không có đường ống cấp nước sinh hoạt hay sản xuất và việc cấp nước chữa cháy bên ngoài lấy ở sông, hồ, ao, hay bể dự trữ nước;

Để đảm bảo cung cấp nước liên tục và đủ lượng nước chữa cháy, Điều 10.16 của Tiêu chuẩn quy định: Khi trong nhà bố trí trên mười hai họng nước chữa cháy hoặc có trang bị hệ thống chữa cháy tự động thì hệ thống cấp nước chữa cháy bên trong nhà, dù thiết kế riêng hay kết hợp phải thiết kế ít nhất hai ống dẫn nước vào nhà và phải thực hiện nối thành mạng vòng.

Đối với các họng nước chữa cháy dùng chữa các đám cháy trong nhà, Điều 10.18 quy định: Các họng chữa cháy bên trong nhà phải bố trí cạnh lối ra vào, trên ciheeus nghỉ buồng thang, ở sảnh, hành lang và những nơi dễ thấy, dễ sử dụng. Tại các điều khác của Tiêu chuẩn quy định: Tâm của họng chữa cháy phải đặt ở độ cao 1,25 m so với mặt sàn. Tại mỗi họng chữa cháy trong nhà phải có đặt van khóa, lăng phun nước và cuộn vòi mềm có đủ độ dài theo tính toán. Trong môi nhà, đường kính ống, chiều dài cuộn vòi mềm, đường kính lăng phải sử dụng cùng loại.

Từ Điều 10.21 đến 10.31 của Tiêu chuẩn , quy định các vấn đề về yêu cầu thiết kế đối với các hạng mục công trình khác như: Bể chứa, bể áp lực, đường ống, máy bơm… và thời hạn phục hồi nước dự trữ chữa cháy.

Trên cơ sở các quy định tại điều 10 của Tiêu chuẩn này, các cơ quan, tổ chức có chức năng thiết kế hệ thống cung cấp nước chữa cháy, tính toán, thiết kế hệ thống đảm bảo nước phục vụ cho công tác chữa cháy.

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4513: 88 .Cấp nước bên trong – Tiêu chuẩn thiết kế

Tiêu chuẩn về hệ thiết kế hệ thống cung cấp nước bên trong nhà, trong đó có hệ thống cung cấp nước chữa cháy Tại Điều 1 “Các quy định chung”, Mục 1.5 và 1.6 quy định các công trình phải thiết kế và các công trình không phải thiết kế hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong nhà. Nội dung này tương tự như TCVN 2622-1995. Đồng thời trong Điều 1 cũng quy định khi thiết kế hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong, ngoài việc tuân theo những quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4513-88, còn phải tuân theo những quy định trong tiêu chuẩn “Phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình. TCVN 2622-1995”.

Các công trình phải thiết kế, lắp đặt đường ống cấp nước chữa cháy

Các công trình phải thiết kế, lắp đặt đường ống cấp nước chữa cháy

Tại Điều 2 của Tiêu chuẩn quy định về các loại hệ thống cung cấp nước bên trong trong các nhà ở, công trình công cộng như: Hệ thống cấp nước sinh hoạt và chữa cháy kết hợp. Hệ thống cấp nước sinh hoạt và hệ thống cấp nước chữa cháy đặt riêng hoặc chỉ có 1 trong 2 hệ thống đó.

Đối với các nhà sản xuất có thể thiết kế các hệ thống:

+ Hệ thống cấp nước sinh hoạt kết hợp với hệ thống cấp nước sản xuất và chữa cháy hoặc hệ thống cấp nước sinh hoạt kết hợp với hệ thống cấp nước sản xuất.

+ Hệ thống cấp nước sinh hoạt kết hợp với hệ thống cấp nước chữa cháy hoặc hệ thống cấp nước sản xuất kết hợp với hệ thống cấp nước chữa cháy.

+ Các hệ thống cấp nước riêng biệt.

Điều 2.4 quy định về hệ thống cung cấp nước đối với nhà ở cao tầng, nhà hành chính, khách sạn, nhà an dưỡng, nhà nghỉ, nhà sản xuất, nhà phụ trợ, tại các công trình này cần nghiên cứu phương án thiết kế hệ thống cấp nước phân vùng. Chiều cao phân vùng áp lực cấp nước được xác định theo tính toán với áp lực thủy tĩnh cho phép lớn nhất tại các họng chữa cháy, vòi nước sinh hoạt hoặc tại các vòi nước sản xuất theo quy định của tiêu chuẩn này.

Về tiêu chuẩn dùng nước và áp lực nước tự do được quy định tại Điều 3 của Tiêu chuẩn, nội dung này tương tự như trong TCVN 2622:1995. Tại Tiêu chuẩn này, các số liệu về lăng, vòi và lưu lượng nước chữa cháy được quy định cụ thể: Khi tính toán áp lực nước ở đầu lăng phun nước, phải tính đến tổn thất áp lực trong vòi chữa cháy bằng vải bạt dài 10 hay 20 m, đường kính miệng lăng phun nước là 13; 16; 19; 22 mm.

Đối với lưu lượng 2,5 l/s, vòi chữa cháy phải có đường kính 51 mm (vòi B) và đường kính đầu phun của lăng ít nhất 13 mm. Đối với lưu lượng nước 5 l/s phải dùng vòi chữa cháy có đường kính 65 mm (vòi A) và đường kính đầu phun của lăng ít nhất 16 mm.

Đối với các ngôi nhà mà áp lực nước bên ngoài thường xuyên không đủ để cung cấp nước cho các họng chữa cháy trong nhà thì cần phải đặt máy bơm để tăng áp và có bộ phận điều khiển máy từ xa, bố trí ở ngay cạnh họng chữa cháy.

Về mạng lưới và phụ tùng đường ống cấp nước bên trong được quy định tại Điều 4 của Tiêu chuẩn, các quy định trong phần này đối với họng nước chữa cháy vách tường tương tự như Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622:1995. Tiêu chuẩn có giải thích rĩ về cách bố trí tủ chữa cháy (đặt họng chữa cháy vách tường, lăng, vòi) có thể đặt ngầm trong tường, treo trên tường hay cột nhà nhưng không được ảnh hưởng đến lối đi lại và các hoạt động khác trong nhà. Trong cùng một nhà , cấm không được dùng nhiều kiểu đầu nối ống vòi rỗng và lăng phun nước có nhiều kiểu hoặc có đường kính khác nhau.

Hướng dẫn cách tính toán mạng lưới cấp nước là nội dung Điều 6 của Tiêu chuẩn. Các nội dung này được trình bày trong các tài liệu chuyên sâu về công việc thiết kế hệ thống cung cấp nước cho nhà và công trình.

Điều 7 quy định về máy bơm trong hệ thống cung cấp nước. Nội dung phần này bao gồm các điều 7.8. đến 7.16, quy định những vấn đề sau:

Máy bơm có thể điều khiển bằng tay, điều khiển từ xa hay có thiết bị điều khiển tự động. Khi máy bơm chữa cháy điều khiển từ xa thì nút điều khiển cho máy bơm chạy phải để gần họng chữa cháy mà tại đó áp lực của đường ống bên ngoài không đủ để chữa cháy được.

Cho phép đặt máy bơm chữa cháy mà không cần máy bơm dự phòng trong các trường hợp sau:

+ Trong nhà phụ của kho không có thiết bị chữa cháy tự động và có một cột nước chữa cháy.

+ Trong các xí nghiệp có hạng sản xuất D, E mà công trình có bậc chịu lửa I, II hoặc khi lưu lượng nước chữa cháy bên ngoài không vượt quá 20 l/s.

– Máy bơm của hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà có phân vùng cấp nước, các công trình đặc biệt, rạp chiếu bóng, câu lạc bộ, nhà văn hóa, phòng họp, hội trường và công trình có trang bị hệ thống chữa cháy tự động, ngoài việc điều khiển máy bơm tự động hoặc từ xa , còn cần có thiết bị điều khiển bằng tay. Khi mở tự động máy bơm chữa cháy đồng thời phải phát tín hiệu ( ánh sáng và âm thanh ) vào phòng thường trực hoặc vào phòng thường xuyên có công nhân phục vụ ngày đêm.

Đối với máy bơm (chữa cháy, sinh hoạt, sản xuất) không cho phép ngừng cấp nước phải đảm bảo cấp điện liên tục bằng cách nối với hai nguồn điện độc lập. Nếu chỉ có một nguồn điện, cho phép đặt máy bơm chữa cháy dự phòng chạy bằng động cơ đốt trong.

 

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3890 :2009, Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng

Các quy định về trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống cung cấp nước chữa cháy trong nhà và công trình được trình bày tại Điều 8.1 của Tiêu chuẩn. Về các công trình cần phải lắp đặt hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong cơ bản giống như đã trình bày trong TCVN 2622 : 1995 và TCVN 4513 : 88. Trong Tiêu chuẩn này quy định một số điểm khác như: Trong nhà ở gia đình từ 7 tầng trở lên; nhà ở tập thể, khách sạn, chung cư, cửa hàng ăn uống từ 5 tầng trở lên; Các cơ quan hành chính cao từ 6 tầng trở lên; trường học, bệnh viện cao từ 3 tầng trở lên; Chợ trung tâm thương mại kiên cố và bán kiên cố.

Các quy định về trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống cung cấp nước chữa cháy

Các quy định về trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống cung cấp nước chữa cháy

So sánh với TCVN 2622:1995 và TCVN 4513:88, các yêu cầu về bắt buộc lắp đặt hệ thống cung cấp nước chữa cháy trong nhà và công trình đã mở rộng hơn đối với nhà ở gia đình và một số công trình công cộng khác.

Điều 8.1.4 của Tiêu chuẩn có quy định: Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà và công trình trong các nhà sản xuất, kho tàng có mức nguy hiểm cháy cao, nhà và công trình có chiều cao từ 25m trở lên, chợ, trung tâm thương mại, khách sạn, vũ trường, nhà ga, cảng biển, nhà hát, rạp chiếu phim phải thường xuyên có nước được duy trì ở áp suất đảm bảo yêu cầu chữa cháy. Đây là một trong những yêu cầu cần thiết về mặt kỹ thuật của hệ thống, vì đây là các cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy nổ cao, các hệ thống kỹ thuật phải luôn ở trạng thái sẵn sàng phục vụ chữa cháy;

Ngoài ra Tiêu chuẩn còn quy định về hệ thống cung cấp nước chữa cháy vách tường kết hợp với hệ thống chữa cháy tự động: Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà và công trình có thể thiết kế độc lập hoặc kết hợp với hệ thống chữa cháy tự động bằng nước. Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà và công trình phải có họng chờ lắp đặt ở ngoài nhà để tiếp nước từ xe bơm hoặc máy bơm chữa cháy di động.

Bài viết liên quan:

Chat
. 0984 957 114