Xây dựng lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở

Để đảm bảo thực hiện vai trò là lực lượng nòng cốt trong phong trào PCCC toàn dân, công tác xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy phải quán triệt các quan điểm cơ bản sau:

Xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy phải quán triệt nội dung các tính chất hoạt động phòng cháy chữa cháy

  Hoạt động phòng cháy và chữa cháy thể hiện các tính chất cơ bản sau:

Tính chất quần chúng: Tính chất này xuất phát từ thực tế là cháy có thể xảy ra bất cứ đâu và bất kì thời gian nào khi có đủ các điều kiện phát sinh, trong khi đó nguyên nhân gấy cháy chủ yếu là do sự bất cẩn của con người trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt gây ra; mặt khác, việc phát hiện, cứu chữa các vụ cháy trên thực tế cũng chủ yếu do cá nhân và các thành viên tại cơ sở xảy ra cháy thực hiện.

Do đó công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nan cứu hộ mang tính chất quần chúng rất sâu sắc và tính xã hội hoá cao. Cháy nổ và các tai nạn, sự cố khi xảy ra mang nhiều yếu tố nguy hiềm và gây thiệt hại nghiêm trọng khôn lường, vì lợi ích của mỗi cá nhân nên mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Song cháy nổ và tai nạn, sự cố có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào do vậy, đối với công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhất là đối với những đám cháy lớn, những sự cố phức tạp đòi hỏi phải có nhiều người, nhiều lực lượng hợp sức mới xử lý được. Vì vậy, việc phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố, cũng như chát, cứu nạn, cứu hộ kịp thời, có hiệu quả không chỉ là trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức của toàn xã hội.

Hoạt động diễn tập phòng cháy và chữa cháy

Tính chất pháp lý: Tính chất pháp lý trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy thể hiện những hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống xã hội có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phải triệt để tuân thủ những quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Bởi vậy nó phải được thể chế hoá thành luật pháp để hướng dẫn và bắt buộc mọi cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình và cá nhân thực hiện thường xuyên, triệt để mới đem lại hiệu quả.

Để ngăn ngừa cháy xảy ra, đòi hỏi mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, trong hoạt động của mình, phải chấp hành những quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, thực hiện đầy đủ những kiến nghị, yêu cầu cũng như các chỉ dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền. Về phía cơ quan quảnh lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy, tính chất pháp lý thể hiện rõ ở việc nghiên cứu pháp luật hoá các hành vi có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy; xây dựng, ban hành và bổ sung các tiêu chuẩn PCCC; tổ chức thực hiện để những quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm túc; các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thẩm duyệt, kiểm định, xử lý vi phạm v.v… đều phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.

   Hệ thống các văn bản pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của nước ta hiện nay gồm:

+ Luật Phòng cháy chữa cháy; các luật khác có nội dung quy định về phòng cháy chữa cháy

+ Các Nghị định của Chính phủ; Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

+ Các thông tư, Quyết địng, Chỉ thị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp, chỉ thị, quyết định của Uỷ ban nhân dân các cấp về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

+ Các tiêu chuẩn, quy phạm, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Tính chất khoa học, kỹ thuật: Tính chất khoa học, kỹ thuật xuất phát từ việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy phải dựa trên cơ sở nghiên cứu nguyên nhân, điều kiện gây cháy đối với mỗi chất cháy; phải nghiên cứu tìm ra các quy luật của quá trình phát sinh, phát triển và dập tắt đám cháy; nghiên cứu các chất dập cháy v.v… Vì vậy, các biện pháp phòng ngừa cháy, chống cháy lan, cũng như các biện pháp chữa cháy và các điều kiện khác đảm bảo việc thực hiện phải dựa trên cơ sở tính toán khoa học, không thể tuỳ tiện.

Tính chất khoa học, kỹ thuật thể hiện ở chỗ: Phải xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy và đòi hỏi việc áp dụng các giải pháp, biện pháp phòng cháy và chữa cháy phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn đó; phải thường xuyên nghiên cứu tìm ra các phương pháp, phương tiện để phòng cháy và chữa cháy có hiệu quả; biết nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học phòng cháy chữa cháy thế giới và điều kiện thực tế ở Việt Nam; biết sử dụng có hiệu quả các phương tiện phòng cháy chữa cháy. Tính chất khoa học, kỹ thuật còn được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ công tác tổ chức quản lý, xây dựng văn bản, tuyên truyền giáo dục, đào tạo xây dựng lực lượng phòng cháy và chữa cháy v.v…, nó là cơ sở để việc tiến hành các mặt công tác trên có hiệu quả.

Tính chất chiến đấu: Tính chất chiến đấu trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy xuất phát từ yêu cầu và đòi hỏi khách quan của quá trình tổ chức, phối hợp các lực lượng, phương tiện để nhanh chóng dập tắt đám cháy. Hoạt động chữa cháy là một loại hình hoạt động được tiến hành trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm vì trong khi chữa cháy, các cấu kiện công trình có thể bị sụp đổ, môi trường nhiệt độ cao, khói, khí độc cùng đồng thời gây nguy hại đến tính mạng của những người tham gia chữa cháy. Vì vậy, công tác chữa cháy một mặt, đòi hỏi tinh thần sẵn sàng, cơ động nhanh, chính xác, vận dụng các chiến thuật, kỹ thuật hợp lý; mặt khác lại đòi hỏi tinh thần dũng cảm, mưu trí, ý thức chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy trong cuộc chiến đấu chống “giặc lửa” để cứu người, chống cháy lan và kịp thời dập tắt đám cháy.

Các tính chất trên thống nhất và đan xen lẫn nhau, xuyên suốt toàn bộ quá trình tổ chức và hoạt động phòng cháy và chữa cháy, vì vậy trong xây dựng lực lượng từ việc xác định nhiệm vụ, bố trí nhân sự, tổ chức huấn luyện, duy trì đảm bảo các điều kiện hoạt động phải quán triệt đầy đủ các tính chất cơ bản này.

Xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy phải quán triệt các nguyên tắc hoạt động phòng cháy và chữa cháy

Các nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy thực chất là các quan điểm chỉ đạo, xuyên suốt mọi hoạt động từ chỉ đạo, điều hành đến trực tiếp thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy. Nguyên tắc phòng cháy chữa cháy được tổng kết từ thực tiễn công tác phòng cháy chữa cháy được nêu tại Điều 4 luật phòng cháy và chữa cháy.

-Nguyên tắc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy chữa cháy.

Tuyên truyền các hoạt động phòng cháy và chữa cháy tại địa phương

Phòng cháy và chữa cháy là hoạt động mang tính xã hội rộng lớn, vì vậy phải coi đây là sự nghiệp toàn dân, là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở, gia đình và mỗi cái nhân, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm”, có như vậy quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy mới có hiệu lực và hiệu quả.

-Nguyên tắc đảm bảo trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

Phòng cháy và chữa cháy là hai nhiệm vụ không thể tách rời nhau, chúng luôn có mối quan hệ mật thiết. Mục đích phải đạt là không để cháy xảy ra, nên ý thức phòng cháy phải luôn được đề cao, các biện pháp phòng cháy phải được thực hiện nghiêm ngặt trng cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và mỗi cá nhân, nó sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra; đồng thời phải luôn sẵn sàng chữa cháy và chữa cháy kịp thời là yếu tố quyết định đến sự hạn chế tổn thất về người và tài sản. Cho nên phòng cháy và chữa cháy phải được kết hợp chặt chẽ, trong đó phải lấy phòng tránh là chính.

-Nguyên tắc phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

Đây là nguyên tắc thể hiện tính chủ động trong hoạt động chữa cháy, để việc chữa cháy có hiệu quả cần phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về lực lượng, phương tiện và việc tổ chức phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các lực lượng trong chữa cháy. Mỗi vụ cháy xảy ra đều có những đặc điểm khác nhau, vì vậy phải chú trọng công tác tổ chức huấn luyện, thực tập các phương án chữa cháy thích hợp với từng loại hình cơ sở, đồng thời phải trang bị phương tiện chữa cháy cần thiết đáp ứng yêu cầu chữa cháy hiện nay.

-Nguyên tắc mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Đây là nguyên tắc thể hiện tính tích cực, chủ động trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy, nó quy định việc tập trung xây dựng lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy tại chỗ; xây dựng ý thức sẵn sàng tham gia phòng cháy và chữa cháy từ mỗi địa bàn, cơ sở, cụm dân cư, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy và chữa cháy. Vận dụng nguyên tắc này, trong thực tế nhiều địa phương đã cụ thể hoá thành phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Quán triệt các nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy trong công tác xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy thể hiện ở việc xác định những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư, các cơ sở và đặc điểm quản lý; xác định các yêu cầu huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác phòng cháy chữa cháy; trong việc bố trí lực lượng, phương tiện, chỉ đạo, phân công trách nhiệm trong tổ chức hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy.

Xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, của người đứng đầu cơ quan tổ chức và bảo đảm thực hiện chế độ chính sách hợp lý, nhất là đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ.

Đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, trách nhiệm tổ chức quản lý thuộc về người đứng đầu cơ quan tổ chức, do vậy, việc tổ chức thành lập và duy trì hoạt động của đội phòng cháy chữa cháy cơ sở phải thực hiện theo đúng yêu cầu của Luật phòng cháy chữa cháy. Đặc điểm hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở là hoạt động có tính chất nghĩa vụ, kiêm nhiệm nên cần có chế độ chính sách hợp lý để khuyến khích những người tham gia vào các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở đồng thời phải lựa chọn, bố trí đủ số cán bộ, nhân viên bảo đảm chế độ thường trực, bảo vệ để giải quyết các trường hợp khi có cháy xảy ra vào thời điểm cơ sở không làm việc.

Xem bài tiếp theo: TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG PCCC CƠ SỞ

Bài viết liên quan:

Chat
. 0984 957 114