Công tác tham mưu, đề xuất của lực lượng phòng cháy chữa cháy
Xem bài trước: CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
Lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở có chức năng tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo cơ sở về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy và trong phạm vi quản lý của cơ sở. Các vấn đề mà lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở cần tham mưu là việc xây dựng,ban hành các văn bản, nội quy, quy định và các văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chỗ; các vấn đề về trang bị, quản lý phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và đầu tư cho hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Xây dựng, ban hành các văn bản về công tác phòng cháy chữa cháy của lực lượng phòng cháy chữa cháy
Các quy định về phòng cháy chữa cháy là văn bản do người có thẩm quyền ban hành được áp dụng trong phạm vi cơ quan, tổ chức liên quan đến các vấn đề trách nhiệm trong phòng cháy chữa cháy của lãnh đạ, các bộ phận và cán bộ, nhân viên; về các yêu cầu cụ thể nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy cho từng bộ phận (phân xưởng sản xuất, kho, khu hành chính v.v…); về công tác chữa cháy (báo cháy, chữa cháy, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy về trách nhiệm của Ban chỉ đạo và lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở; về công tác trang bị, quản lý, sử dụng, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy chữa cháy và chế độ khen thưởng, xử lý vi phạm trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Nội quy an toàn về phòng cháy chữa cháy bao gồm các quy định về quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy và thiết bị, dụng cụ có khả năng sinh ra lửa, sinh nhiệt; quy định những hành vi bị cấm và những việc làm để ngăn chặn, phòng ngừa cháy, nổ; quy định việc bảo quản hệ thống, thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy; quy định những việc phải làm khi có cháy nổ xảy ra.
Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy phải thể hiện được hạng mục công trình, hệ thống đường nội bộ, lối thoát nạn, hướng thoát nạn, vị trí nguồn nước chữa cháy và phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Biển cấm, biển báo và biển chỉ dẫn trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy.
Biển cấm lửa, biển cấm hút thuốc, biển cấm cản trở lối đi lại, biển cấm dùng nước làm chất dập cháy; biển cấm hành vi bật lửa, điện thoại di động v.v…
Biển báo khu vực hoặc vật liệu có nguy hiểm cháy, nổ;
Biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy là biển chỉ hướng thoát nạn và chỉ vị trí để điện thoại, bình chữa cháy, trụ nước, bến lấy nước và các phương tiện chữa cháy khác.
Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Chương trình công tác là loại văn bản là loại văn bản ghi rõ chỉ tiêu và khối lượng công việc được tiến hành theo một trình tự nhất định trong một thời gian nhất định.
Kế hoạch công tác là văn bản ghi rõ những công việc cần làm, mục đích yêu cầu cần đạt được, biện pháp tổ chức thực hiện và thời gian tiến hành từng bước đảm bảo hoàn thành công việc đó.
Kế hoạch công tác có nhiều loại: kế hoạch chung, kế hoạch từng mặt công tác (kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, kế hoạch thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ…).
Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác là việc bảo đảm cho việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ sở, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động và sáng tạo của mỗi cán bộ công nhân viên; giúp cho cơ sở, cá nhân tự kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác của mình đồng thời giúp cho cấp trên nắm tình hình, kiểm tra, đánh giá các mặt công tác của cơ sở.
Kỹ thuật xây dựng chương trình, kế hoạch công tác
Về hình thức bản chương trình, kế hoạch công tác được thực hiện như các văn bản hành chính khác như: Quốc hiệu; địa danh, ngày, tháng, năm; tên cơ quan; số, ký hiệu; tên loại và trích yếu; nội dung; chữ ký; nơi nhận.
+ Đối với chương trình công tác
Thông thường, phần nội dung của chương trình công tác thường có những phần sau:
Phần mở đầu: Nêu căn cứ để lập chương trình và mục tiêu, yêu cầu của chương trình công tác.
Phần nội dung: Nội dung chương trình công tác cần sắp xếp một cách khoa học, mỗi chỉ tiêu, khối lượng công việc đưa ra phải cụ thể hoá từng phần của mục đích chung. Cần nêu một cách vắn tắt các công việc, thời gian tiến hành, chủ thể thực hiện, đơn vị phối hợp.
Phần tổ chức thực hiện: Trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn khi thực hiện chương trình; trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong quá trình thực hiện và quy định về chế độ thông tin, báo cáo.
+ Đối với kế hoạch công tác
Bản kế hoạch công tác thường gồm các vấn đề sau:
Phần mở đầu: nêu căn cứ lập kế hoạch công tác;
Phần mục đích: yêu cầu của kế hoạch;
Phần nội dung: nêu nội dung từng công việc, những việc cần làm theo mục đích, yêu cầu đã đặt ra;
Phần tổ chức thực hiện: các biện pháp, cách thức tiến hành, thời gian thực hiện, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, kinh phí, phương tiện bảo đảm cho việc thực hiện công việc.
Phân công trách nhiệm cho từng bộ phận, trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo thực hiện kế hoạch; quy định về chế độ báo cáo trong khi thực hiện kế hoạch.
Quy trình xây dựng chương trình, kế hoạch công tác
+ Giai đoạn chuẩn bị:
Tổng hợp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, có phân tích đánh giá và tổng hợp một cách khoa học.
Các thông tin cần phải thu thập nghiên cứu bao gồm: thông tin trong các văn bản chỉ đạo của các cấp trên; thông tin cần tra cứu trong các tài liệu có liên quan đến việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; thông tin quá khứ, tình hình, kết quả công tác đã thực hiện, các kinh nghiệm đã tổng kết kể cả những khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; thông tin dự báo và những yêu cầu đặt ra trong quá trình thực hiện, dự kiến các tình huống phát sinh và cách xử lý các tình huống đó.
+ Giai đoạn soạn thảo văn bản:
Dự thảo đề cương nhằm thể hiện mục đích, yêu cầu, nội dung cơ bản và việc tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch. Đề cương chi tiết có thể được gửi cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tham gia góp ý. Sau khi đã được thảo luận, góp ý cần chỉnh sửa văn bản, hoàn thành bản thảo.
+ Bước trình ký và ban hành.
Tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các giải pháp xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở
– Tổ chức thành lập và duy trì sự hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở.
– Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về PCCC phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở.
– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC; kiến thức về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
– Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các nội quy an toàn về PCCC.
– Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho cán bộ công nhân viên làm việc tại cơ sở.
– Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu khi có cháy và tai nạn, sự cố xảy ra; tham gia phối hợp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cùng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Trang bị cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và đầu tư cho hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Trang bị, quản lý phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
+ Duy trì hoạt động của các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được trang bị.
+ Đề xuất bổ sung, thay thế, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
+ Phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ đội viên quản lý và duy trì hoạt động phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Nguồn tài chính đảm bảo cho công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
+ Ngân sách nhà nước.
+ Các khoản tài trợ, hỗ trợ, viện trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức cá nhân nước ngoài và đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước cho hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
+ Các khoản đền bù của cơ quan bảo hiểm; các khoản chi trả của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Xem bài tiếp theo: ĐỘI PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY CƠ SỞ CÓ VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ GÌ?