Công tác phòng cháy tại cơ sở là gì?

Công tác phòng cháy tại cơ sở

Để hiểu rõ khái niệm tổ chức công tác phòng cháy tại cơ sở, cần thiết phải hiểu rõ khái niệm “tổ chức” ; “cơ sở” ; “phòng cháy” và khái niệm “công tác phòng cháy tại cơ sở”.

Khái niệm “tổ chức”:

Tổ chức được hiểu là sắp xếp, bố trí thành các bộ phận để cùng thực hiện một chức năng, nhiệm vụ hoặc là sắp xếp, bố trí để làm cho có trật tự, nề nếp. Theo cách hiểu khác, tổ chức cũng có thể là việc tiến hành một công việc theo cách thức, trình tự nào đó. Theo Từ điển tiếng Việt, tổ chức “Làm cho thành một chỉnh thể, có một cấu tạo, một cấu trúc và những chức năng chung nhất định” .

Theo nghĩa rộng, tổ chức là tổng hợp các hoạt đông dẫn tới việc tạo ra một hệ thống với tổ hợp các mối quan hệ tương tác giữa các bộ phận hợp thành của hệ thống đó. Theo nghĩa hẹp, tổ chức là sự liên kết con người cùng thực hiện một chương trình hay một mục tiêu nào đó và cùng hoạt động trên cơ sở một số nguyên tắc nhất định, vì những quyền lợi chung và nhằm mục đích chung.

Khái niệm “cơ sở”:

Căn cứ Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC quy định:” Cơ sở là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định” . Căn cứ Khoản 1 Điều 20 Luật PCCC : “Cơ sở phải được bố trí trên một diện tích độc lập nhất định, có người tổ chức quản lý, hoạt động và cần thiết có phương án PCCC độc lập” .

Căn cứ điều 5 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP: “Cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC là nơi sản xuất kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và các công trình độc lập. Cơ quan tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở”.

Từ các quy định của pháp luật nêu trên cho thấy một cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy tại cơ sở phải :

+Phòng cháy tại cơ sở là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập.

+ Bố trí trên một diện tích độc lập nhất định, có người tổ chức quản lý, hoạt động và cần thiết có phương án PCCC độc lập:

+ Cơ quan, tổ chức có một hoặc nhiều cơ sở.

Các cơ sở thuộc diện quản lí về PCCC được quy định tại phụ lục I, ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Việc phân loại cơ sở có thể được dựa trên những tiêu chí khác nhau tuỳ theo các yêu cầu quản lý đặt ra:

+ Căn cứ các thành phần kinh tế: Theo tiêu chí này có thể phân loại cơ sở thuộc thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài…

+ Căn cứ vào tính chất hoạt động: Theo tiêu chí này có thể phân loại cơ sở theo loại hình sản xuất; cơ sở kinh doanh, dịch vụ; cơ sở văn hoá xã hội và cơ sở hành chính.

+ Căn cứ vào loại hình hoạt động và đặc điểm ngành, lĩnh vực: Theo tiêu chí này có thể phân loại cơ sở được phân loại thành: Cơ sở thuộc ngành báo chí, bưu chính viễn thông; cơ sở thuộc ngành y tế; cơ sở thuộc ngành tiểu thủ công nghiệp…

+ Căn cứ vào mức độ nguy hiểm về cháy, nổ: Căn cứ vào mức độ nguy hiểm về cháy, nổ để xác định cơ sở thuộc loại nguy hiểm về cháy, nổ và các cơ sở khác có mức độ nguy hiểm về cháy, nổ thấp hơn, được lập hồ sơ để thực hiện quản lý nhà nước về PCCC. Phụ lục 2, ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ được xác định là: Học viện, trường đại học, trương cao đẳng, trường trung cấp, trường dạy nghề; nhà trẻ, trường mẫu giáo; bệnh viện, nhà điều dưỡng, trung tâm y tế, cơ sở y tế khám chữa bệnh khác…Các cơ sở còn lại là các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC song có mức nguy hiểm cháy, nổ thấp hơn.

Khái niệm “Phòng cháy”:

Theo Khoản 1 Điều 3 Luật PCCC, cháy được hiểu là: ”Trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường”.

Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam năm 2005 thì sự cháy được hiểu là :”Phản ứng ôxy có kèm theo toả nhiệt và phát sáng. Sự cháy chỉ xảy ra khi có đầy đủ điều kiện cháy, đó là sự kết hợp giữa chất cháy, chất ôxy hoá (thường là oxy trong không khí) và nguồn gây cháy. Thiếu một trong ba điều kiện đó thì không có sự cháy” .

Xét về bản chất, cháy là một phản ứng hoá học giữa các chất cháy với oxy của không khí hoặc với một chất oxy hoá khác kèm theo sự toả nhiệt và phát sáng. Sự cháy chỉ có thể xảy ra khi có sự kết hợp trong những điều kiện nhất định giữa chất cháy (có thể là chất lỏng, chất khí, chất rắn) với nguồn gây cháy (nguồn lửa, nguồn nhiệt…) và chất oxy  hoá (oxy trong không khí hoặc oxy do phản ứng hoá học toạ ra).

Việc nghiên cứu tìm ra bản chất, quy luật của quá trình phát sinh, phát triển đám cháy đối với mỗi chất, mỗi quá trình công nghệ sản xuất và trong các hoạt động của đời sống xã hội…là để tìm ra các giải pháp phòng ngừa có hiệu quả, đó chính là phòng cháy. Phòng cháy là hệ thống các biện pháp, giải pháp về tổ chức, kỹ thuật nhằm loại trừ hoặc hạn chế các điều kiện và nguyên nhân gây cháy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan khi xảy ra cháy và cho việc tổ chức dập tắt đám cháy.

Khái niệm “công tác phòng cháy tại cơ sở”

Trên quan điểm phòng ngừa tích cực, phòng ngừa chủ động, có thể chỉ ra rằng công tác phòng cháy tại cơ sở: là hệ thống các biện pháp, giải pháp về tổ chức, kỹ thuật của người đứng đầu nhằm loại trừ hoặc hạn chế các điều kiện hoặc nguyên nhân gây cháy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan và dập tắt đám cháy xảy ra trong cơ sở. Căn cứ Điều 20 Luật PCCC và Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, theo điều kiện an toàn PCCC thì công tác PCCC tại cơ sở bao gồm các nội dung:

+ Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy tại cơ sở;

+ Xây dựng, ban hành nội quy, quy định PCCC;

+ Thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC cơ sở;

+ Lập, thực tập phương án chữa cháy;

+ Đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện PCCC;

+ Tổ chức công tác tự kiểm tra an toàn về PCCC tại cơ sở;

+ Xử lý vi phạm quy định về PCCC tại cơ sở;

+ Lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC.

Việc duy trì tình trạng an toàn không để xảy ra cháy, xét về thực chất đó là sự tác động tích cực của con người nhằm phòng cháy tại cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả nếu có cháy xảy ra và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu người, cứu tài sản. Chẳng hạn, cơ sở có tính nguy hiểm cháy, nổ cao trong quá trình hoạt động song dưới sự tác động, duy trì của con người, thiết bị kỹ thuật sẽ chuyển về mức thấp hơn là nguy hiểm cháy; nếu cơ sở chỉ có nguy hiểm cháy thì chuyển về mức không hoặc ít nguy hiểm cháy.

Hoạt động đó là kết quả do sự tác động tích cực từ phía Nhà nước và sự tự giác thực hiện của các chủ thể và đó là kết quả của quá trình tổ chức công tác phòng cháy tại cơ sở. Từ nhận thức về các khái niệm nêu trên và yêu cầu công tác đảm bảo an toàn PCCC, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác phòng cháy, tổ chức công tác phòng cháy tại cơ sở: Là những hoạt động của người đứng đầu cơ sở về tổ chức thực hiện các nội dung công tác phòng cháy nhằm loại trừ, hạn chế các yếu tố, điều kiện gây cháy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan và dập tắt đám cháy xảy ra trong cơ sở.

Xem phần tiếp theo:

Công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy

 

Bài viết liên quan:

Chat
. 0984 957 114