Công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn

Xem bài trước:  Công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy

 

   – Theo Điều 46 Luật Phòng cháy và chữa cháy thì lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; chịu sự điều động của cấp có thẩm quyền để tham gia hoạt động phòng cháy chữa cháy.

   – Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 79/214/NĐ-CP thì nội dung huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy bao gồm:

   + Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng.

   + Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào quần chúng phòng cháy và chữa cháy.

   + Biện pháp phòng cháy.

   + Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy.

   + Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

   + Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn.

   – Theo khoản 3 Điều 14 thông tư số 65/2013/TT-BCA thì nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ theo các chuyên đề cơ bản sau đây:

   + Phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật cứu người bị nạn trong sự cố cháy, nổ;

   + Phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật cứu người bị nạn trên sông, suối, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, khu du lịch, vui chơi giải trí, bãi tắm;

   + Phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật cứu người bị nạn trong các sự cố sạt lở đất đá, sập đổ nhà, công trình;

   + Phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật cứu người bị mắc kẹt trong các phương tiện khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông;

   + Phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật cứu người bị mắc kẹt trong nhà, trong thang máy, trên cao, dưới hầm, hố sâu, trong hang, trong công trình ngầm.

Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn

   Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn phải thiết thực, phù hợp với từng loại đối tượng và tính chất đặc điểm hoạt động của từng loại cơ sở. Kết thúc từng đợt huấn luyện phải tổ chức kiểm tra đánh giá và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Theo đó, chương trình huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy có thể được cụ thể hoá thành các bài cụ thể như sau:

Đối với cán bộ, Đội viên Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở:

   Bài 1: Tổ chức quản lý hoạt động của Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở

   – Khái niệm, vai trò trách nhiệm của Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở

   – Tổ chức, quản lý và biên chế Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở

   – Nhiệm vụ của Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở

   – Chế độ huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

   – Chế độ chính sách đối với cán bộ, đội viên Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở

   – Quy định về việc điều động tham gia các hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

   Bài 2: Vị trí, tầm quan trọng, tính chất và các nguyên tắc phòng cháy chữa cháy

   – Vị trí tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy

   – Các tính chất công tác phòng cháy chữa cháy

   – Nguyên tắc hoạt động phòng cháy chữa cháy

    Bài 3: Trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy

   – Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng cháy và chữa cháy

   – Trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong phòng cháy và chữa cháy

   – Trách nhiệm của cá nhân trong phòng cháy và chữa cháy

   – Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong công tác phòng cháy và chữa cháy

   – Trách nhiệm của UBND các cấp trong phòng cháy và chữa cháy

    – Trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

    – Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy ( Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ).

       Bài 4: Một số kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

       – Khái niệm về cháy, dấu hiệu đặc trưng của sự cháy, sản phẩm chủ yếu sau khi cháy, các yếu tố cần thiết cho sự cháy

        – Nguyên  nhân gây cháy ( vụ cháy )

        + Nguyên nhân chủ quan ( vô ý, cố ý )

        + Nguyên nhân khách quan ( sự cố kỹ thuật, thiên tai, tự cháy )

        – Một số biện pháp quản lý, sử dụng chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt

        Bài 5: Biện pháp phòng cháy chữa cháy tại cơ sở

   – Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định, nội quy an toàn phòng cháy chữa cháy

   – Thực hiện các giải pháp kỹ thuật phòng cháy chữa cháy

   – Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy chữa cháy; phát động quần chúng tham gia phòng cháy chữa cháy

   – Tăng cường kiểm tra phát hiện và khắc phục các thiếu sót về phòng cháy chữa cháy

   – Tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở

   – Trang bị, quản lý và sử dụng các phương tiện phòng cháy chữa cháy

   – Lập và thực tập phương án chữa cháy

   – Xây dựng quy trình cứu chữa một vụ cháy

   Bài 6: Một số kiến thức cơ bản trong công tác chữa cháy

   – Một số chất chữa cháy và dụng cụ chữa cháy thông dụng: nước, bột chữa cháy, khí CO2 ; các phương tiện; bình xách tay, loạt đặt trên xe đẩy về tính năng, tác dụng, cách sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và một số dụng cụ và chất chữa cháy thông dụng khác.

   – Các phương pháp dập tắt đám cháy cơ bản

   – Tổ chức các hoạt động chiến đấu dập tắt đám cháy: Động tác kỹ thuật chữa cháy cá nhân, đội hình chữa cháy cơ bản và các đội hình thể thao chữa cháy ( đội hình cá nhân, đội hình tiếp sức, đội hình dân phòng chữa cháy kết hợp cứu người, di chuyển tài sản ).

      – Vai trò, nhiệm vụ của chỉ huy chữa cháy: Tuỳ theo tính chất, đặc điểm từng loại hình cơ sở mà có thể giới thiệu các bào về phòng cháy chữa cháy điện, phòng cháy chữa cháy xăng dầu, phòng cháy chữa cháy khí đốt hoá lỏng; hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường.

   Bài 7: Một số kỹ năng thoát nạn cơ bản và tự cứu khi có thiên tai và tai nạn xảy ra.

   – Phương pháp thoát nạn khi có cháy xảy ra.

   – Huấn luyện quy trình cứu người bị mắc kẹt trên cao, dưới giếng, hố sâu, thang máy; trong các tai nạn sự cố giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông; cứu người trong các tình huống sạt lở đất đá, sập đổ nhà và công trình; các phương pháp, biện pháp sơ cứu người bị nạn…

 Chế độ huấn luyện, bồi dưỡng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn

   Theo quy định tại Khoản 4 Điều 35 Nghị định 79/2014:

Huấn luyện thực tập cứu hộ cứu nạn tại cơ sở

   –  Cán bộ, đội viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác ( nếu có ) và mỗi ngày được hưởng một khoản tiền bồi thường bằng một nửa ngày lương.

   – Cán bộ, đội viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy mà bị tai nạn, tổn hại sức khoẻ hoặc bị chết thì được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Kinh phí bồi dưỡng và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho cán bộ, đội viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành do cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm.

Đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy

Đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy

  Theo khoản 1, khoản 2 Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA quy định đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn:

   – Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật phòng cháy và chữa cháy;

   – Cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

   – Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

   – Người chỉ huy tàu thủ, tàu hoả, tàu bay, người làm việc và phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ trở lên, trên phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

   – Người làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

   Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Người đứng đầu cơ sở đào tạo, dạy nghề lái xe ô tô có trách nhiệm đưa nội dung kiến thức phòng cháy và chữa cháy vào nội dung, chương trình đào tạo.

   Trường hợp cơ quan, tổ chức, cơ sở không tự tổ chức được các lớp huấn luyện hoặc cá nhân có nhu cầu được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thì phải có đơn đề nghị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức lớp huấn luyện. Kinh phí tổ chức lớp huấn luyện do cơ quan, tổ chức, cơ sở hoặc cá nhân tham gia lớp huấn luyện chịu trách nhiệm.

Đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn

   Theo Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 65/2013/TT-BCA đã quy định đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ gồm:

   – Cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

   – Người chỉ huy phương tiện thuỷ, tàu hoả, tàu bay, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới,  người điều khiển phương tiện, người làm việc và phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi trở lên và trên phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng để vận chuyển các chất, hàng nguy hiểm;

   – Người làm việc trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phương tiện cứu nạn cứu hộ;

   – Các đối tượng khác có yêu cầu được huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ.

Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn

Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn

   Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA quy định thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ như sau:

   – Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu: Từ 16 đến 24 giờ đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này;

   – Thời gian huấn luyện lại để được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy sau khi giấy này hết thời hạn sử dụng tối thiểu la 16 giờ.

Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ

   Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 65/2013/TT-BCA quy định thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn

   – Thời gian huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ lần đầu từ 32 đến 48 giờ;

   – Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ tối thiểu la 16 giờ.

Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy

   Theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư số 66/2014/TT-BCA thì hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy gửi cho Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, cụ thể:

   – Trường hợp cơ quan, tổ chức, cơ sở tự tổ chức lớp huấn luyện, hồ sơ gồmL

   + Đơn đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện;

   + Kế hoạch, chương trình nội dung huấn luyện;

   + Danh sách trích ngang lý lịch của người đã dự lớp huấn luyện.

   – Trường hợp cơ quan, tổ chức, cơ sở không tự tổ chức lớp huấn luyện, hồ sơ gồm:

   + Đơn đề nghị tổ chức huấn luyện;

   + Danh sách trích ngang lý lịch của người đăng ký dự lớp huấn luyện.

   – Cá nhân có nhu cầu được huấn luyện và xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện  nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy phải nộp đơn đăng ký dự lớp huấn luyện (mẫu số PC1).

   Theo Khoản 5 Điều 17 Thông tư số 66/2014/TT-BCA quy định về thủ tục cấp, cấp đôi, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy như sau:

   – Các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (mẫu số PC15)

   – Trường hợp mất giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị rách, cũ nát hoặc bị mất, hết thời hạn sử dụng thì phải có đơn đề nghị xin đổi, cấp lại.

   – Thời gian cấp , đổi, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu hoặc kể từ ngày nhận được đề nghị xin đổi, cấp lại.

   – Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy do Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Trường phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an các cấp tỉnh và có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp. Hết thời hạn này, phải huấn luyện lại để được cấp giấy chứng nhận mới.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ

   Theo Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 65/2013/TT-BCA quy định về hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cụ thể như sau:

   – Đối tượng tham gia huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ, sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ và có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì được cấp “ Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ” theo Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

   – Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ do Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc Trưởng pòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp. Phôi “ Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ” do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức in và phát hành.

   – Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ có giá trị sử dụng trong thời gian 5 năm, kể từ ngày cấp.

   Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biên soạn tài liệu, giáo trình huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ phù hợp cho từng đối tượng huấn luyện.

   Hằng năm, các đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huấn luyện về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ ít nhất 1 lần. Danh sách sẽ được bổ sung vào sổ theo dõi theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điêu 6 Thông tư này.

Xem bài sau:  CÔNG TÁC THAM MƯU, ĐỀ XUẤT CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

 

Bài viết liên quan:

Chat
. 0984 957 114